Để đánh giá ảnh hưởng của tuyến đường Hồ Chí Minh đến môi trường và đa dạng sinh vật, trong thời gian qua chúng tôi đã tập trung nghiên cứu hiện trạng thảm thực vật và một số loại hình sử dụng đất ven đường Hồ Chí Minh vùng Bình Trị Thiên có liên quan đến thảm thực vật và sự thay đổi của nó trong vòng 10 năm vừa qua: trước khi tuyến đường Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng (năm 1997) và sau khi đã đưa vào sử dụng (năm 2007).
Nội dung và phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu trên, chúng tôi đã thực hiện các nội dung nghiên cứu sau:
- Xây dựng bản đồ thảm thực vật năm 1997 và năm 2007 bằng xử lý ảnh số và giải đoán bằng mắt.
- Kiểm tra trên thực địa và hiệu chỉnh bản đồ.
- Hoàn thiện bản đồ thảm thực vật năm 1997 và 2007.
- Xây dựng bản đồ thể hiện sự biến động trong cơ cấu của thảm thực: Chuyển vào phần mềm GIS là ARCInfo; Thực hiện bài toán Overlay (chồng xếp bản đồ thảm thực vật năm 1997 và 2007); Chuyển đổi kết quả ra MapInfo.
- Tính toán kết quả: Thống kê và tính diện tích các loại thảm trong các năm 1997 và 2007; Xác định các đối tượng có sự thay đổi và thống kê diện tích thay đổi.
- Biên tập bản đồ và in kết quả.
Kết quả nghiên cứu
Thảm thực vật vùng ven đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Bình Trị Thiên năm 1997 và 2007 và một số loại hình sử dụng đất có liên quan đến thảm thực vật trong vùng được trình bày trên hai bản đồ tương ứng. Kết quả tính toán diện tích các loại hình thảm thực vật được trình bày trong bảng 1.
Số liệu ở bảng 1 cho thấy, trong 10 năm vừa qua độ che phủ của thảm thực vật rừng vùng ven đường Hồ Chí Minh thuộc các tỉnh Bình Trị Thiên đã được tăng lên đáng kể theo xu hướng tăng lên của độ che phủ của thảm thực vật rừng trong khu vực. Năm 1997 (trước khi tuyến đường được đưa vào hoạt động), tổng diện tích đất có thảm thực vật rừng che phủ ven đường là 54.857ha (rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo và rừng trồng) thì năm 2007 đã tăng lên 103.892ha, tức là tăng lên được 49.035ha. Tỷ lệ các loại rừng (giàu, trung bình, nghèo) trong vốn rừng tự nhiên được thể hiện như sau (bảng 2).
Bảng 1. Diện tích các loại hình thảm thực vật và các dạng sử dụng đất vùng ven đường Hồ Chí Minh vùng nghiên cứu năm 1997 và 2007
STT | Loại hình thực vật | Diện tích (m2) | Tăng (+) Giảm (-) |
1977 | 2007 |
1 | Dân cư | 1542771 | 32071527 | + 30528756 |
2 | Núi đá | 84941298 | 84941305 | + 7 |
3 | Rừng giàu | 130016816 | 158565060 | + 28548244 |
4 | Rừng trung bình | 224007977 | 357463537 | + 133455560 |
5 | Rừng nghèo | 189137783 | 287680281 | + 98542498 |
6 | Rừng trồng | 5409983 | 235219458 | + 229809475 |
7 | Sông, suối, hồ | 11571471 | 11521001 | - 50470 |
8 | Đất nông nghiệp | 590608484 | 137347236 | - 453261248 |
9 | Đất trống | 1045743438 | 978170615 | - 67572823 |
Tổng cộng | 2282980021 | 2282980021 | |
Bảng 2. Tỷ lệ các loại rừng trong tổng vốn rừng đã xác định trên bản đồ
STT | Loại hình rừng | Tỷ lệ (%) | Tăng (+) Giảm (-) |
1977 | 2007 |
1 | Rừng giàu | 23,93 | 19,72 | - 4,21 |
2 | Rừng trung bình | 41,25 | 44,45 | + 3,20 |
3 | Rừng nghèo | 34,82 | 35,79 | + 0,97 |
Tổng cộng | 100 | 100 | |
Số liệu ở bảng 2 cho thấy, loại hình rừng giàu đã giảm đi khoảng trên 4%, còn rừng trung bình đã tăng thêm trên 3% còn rừng nghèo không thay đổi nhiều, chỉ tăng lên khoảng gần 1%. Một điều đáng lưu ý là sau khoảng 10 năm thì đất khu dân cư đã tăng lên thêm 3.052ha, trong khi đó đất dành cho nông nghiệp giảm đi trên 45.000ha và đất trống cũng đã giảm đi khoảng trên 6.000 ha. Bằng phương pháp chồng ghép bản đồ, chúng tôi đã sơ bộ xác định được sự thay đổi cụ thể của từng loại hình thảm thực vật và loại hình sử dụng trong khu vực nghiên cứu trong thời gian vừa qua. Các kết quả này được thể hiện trong bản đồ “Thay đổi thảm thực vật tuyến đường Hồ Chí Minh” và được trình bày trong bảng 3.
Những số liệu trong bảng 3 đã thể hiện sự chuyển đổi của các loại hình thảm thực vật và sử dụng đất tại khu vực nghiên cứu trong thời gian vừa qua. Một phần diện tích của các hệ sinh thái rừng giàu đã trở thành các hệ sinh thái rừng trung bình, rừng nghèo, đất nông nghiệp và đất trống. Trong khi đó cũng có một phần diện tích rừng trung bình đã trở thành rừng giàu (tuy không nhiều). Một phần không nhỏ của các diện tích rừng trung bình và rừng nghèo đã bị biến đổi trở thành đất sử dụng trong nông nghiệp và đất trống. Trong khu vực đất trống vốn có trong vùng cũng có những sự thay đổi nhất định. Một phần nhỏ diện tích đất trống đã trở thành các khu dân cư, một phần nữa đã được trồng rừng còn một phần thì đã được khoanh nuôi để trở thành rừng non mới phục hồi. Đây cũng là một xu thế tích cực trong sử dụng đất tại khu vực trong thời gian vừa qua. Cũng cần phải nói thêm là do những hạn chế nhất định của độ phân giải và giải đoán trên bản đồ nên những số liệu này chỉ có nhiều ý nghĩa trong việc chỉ ra xu hướng biến đổi của các loại hình thảm thực vật và sử dụng đất trong khu vực, còn các số lượng định lượng thì có thể còn có những sai số nhất định. Xu hướng này đã khẳng định tính tích cực trong công tác sử dụng đất vùng ven đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Bình Trị Thiên trong thời gian vừa qua.
Bảng 3. Sự thay đổi của các loại hình thảm thực vật và các dạng sử dụng đất trong khu vực nghiên cứu
STT | Loại thay đổi | Diện tích thay đổi (m2) |
1 | Rừng giàu ® Rừng nghèo | 22.448.163 |
2 | Rừng giàu ® Rừng trung bình | 29.194.609 |
3 | Rừng giàu ® Đất nông nghiệp | 31.228 |
4 | Rừng giàu ® Đất trống | 28.098.169 |
5 | Rừng nghèo ® Dân cư | 643.168 |
6 | Rừng nghèo ® Rừng trồng | 13.381.024 |
7 | Rừng nghèo ® Rừng trung bình | 71.084.384 |
8 | Rừng nghèo ® Đất nông nghiệp | 4.269.995 |
9 | Rừng nghèo ® Đất trống | 46.736.684 |
10 | Rừng trung bình ® Rừng giàu | 7.092.822 |
11 | Rừng trung bình ® Rừng nghèo | 38.626.151 |
12 | Rừng trung bình ® Đất nông nghiệp | 961.990 |
13 | Rừng trung bình ® Đất trống | 21.023.606 |
14 | Đất nông nghiệp ® Dân cư | 21.843.933 |
15 | Đất nông nghiệp ® Rừng nghèo | 1.524.779 |
16 | Đất nông nghiệp ® Rừng trồng | 23.783.173 |
17 | Đất nông nghiệp ® Rừng trung bình | 25.833.532 |
18 | Đất trống ® Dân cư | 10.852.362 |
19 | Đất trống ® Rừng nghèo | 15.745.642 |
20 | Đất trống ® Rừng trồng | 10.221.224 |
21 | Đất trống ® Rừng trung bình | 14.465.083 |
Một số kết luận bước đầu
1. Đường Hồ Chí Minh trên địa phận ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt là nhánh phía tây, đã xuyên qua giữa khu vực có tính đa dạng thực vật cao và lãnh thổ của một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá và Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và cắt ngang dãy núi chạy ra Vườn Quốc gia Bạch Mã).
2. Đây là khu vực núi cao, dốc, hiểm trở chưa bị tác động nhiều nên có tính đa dạng thực vật cao cả về phương diện thảm thực vật và hệ thực vật. Là khu vực đã được quan tâm bảo vệ để bảo tồn sự đa dạng phong phú của thực vật nói riêng và sinh vật nói chung.
3. Đây là vùng có những nét độc đáo về mặt thực vật học và là nơi hội tụ của nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm và có giá trị cao về mặt khoa học, bảo tồn và sử dụng.
4. Nguồn tài nguyên thực vật trong vùng rất phong phú, đa dạng, có nhiều giá trị cho con người và môi trường sinh thái. Nhưng những giá trị về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái phải được đặt lên hàng đầu và phải có những giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.
5. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã đi vào hoạt động gần 2 năm. Nó đã tạo ra ý nghĩa tích cực làm thay đổi diện mạo cho cả vùng, đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời cũng đã nảy sinh những bất cập đối với thiên nhiên, tính đa dạng sinh vật nói chung và tính đa dạng thực vật nói riêng. Những ảnh hưởng này, tuy cho đến thời điểm hiện nay chưa lớn, song những nguy cơ về những tác động xấu đến tính đa dạng thực vật, đến môi trường sinh thái đang luôn rình rập và có thể nảy sinh bất cứ lúc nào. Đặc biệt là lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy; khai thác gỗ quý; các loại lâm sản có giá trị; cháy rừng. Kinh nghiệm cho thấy; chỉ một sao nhãng, sơ suất nhỏ sẽ dẫn tới hậu quả lớn về mặt sinh thái không thể khắc phục được nếu những điều này xảy ra.
6. Những thay đổi về hiện trạng trong cơ cấu của thảm thực vật và một số loại hình sử dụng đất có liên quan đến thảm thực vật đã phản ánh một cách rõ ràng nhất ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế-xã hội vùng ven đường Hồ Chí Minh đến tính đa dạng sinh vật và môi trường sinh thái trong vùng. Nhưng do thời gian còn ngắn nên sự ảnh hưởng này là chưa lớn, cần phải được theo dõi trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Trần Chấn, 1990: Một số đặc điểm cơ bản của hệ thực vật Việt Nam. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Trần Đình Lý, Đỗ Hữu Thư, 1996: Nghiên cứu, cải tạo và sử dụng hợp lý hệ sinh thái Bình Trị Thiên. Tuyển tập hội thảo sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường Bình Trị Thiên: 63-85. NXB. Nông nghiệp.
3. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thanh Nhàn, 2004: Đa dạng thực vật Vườn Quốc gia Pù Mát. NXB. Nông nghiệp Hà Nội.
4. Đỗ Hữu Thư, 2003: Xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh vật tỉnh Quảng Trị (phần thực vật và tài nguyên rừng). Báo cáo kết quả thực hiện đề tài cấp Bộ KHCN & MT.
5. Đỗ Hữu Thư, 2003: Xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh vật tỉnh Quảng Bình (phần thực vật và tài nguyên rừng). Báo cáo kết quả thực hiện đề tài cấp Bộ KHCN & MT.
6. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2002: Báo cáo tổng hợp quy hoạch phát triển các vùng nông lâm nghiệp trọng điểm với bố trí dân cư dọc đường Hồ Chí Minh.
Đỗ Hữu Thu, Đặng Thị Thu Hương, Lê Đồng Tấn
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&VN Việt Nam)