![]() |
Thực trạng sản xuất và cung ứng giống lúa tại đồng bằng sông Cửu LongĐồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn của cả nước và là nơi cung cấp nguồn gạo chính cho xuất khẩu của Việt Nam. Để đánh giá Thực trạng sản xuất và cung ứng giống lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Dương Văn Chin, Phó Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có bài viết phân tích đánh giá về vấn đề này. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảoTình hình sản xuất lúa gạo tại Việt nam Trong năm 2007 diện tích lúa đạt khỏang 7,181 triệu ha gieo trồng, giảm 0,2% so với năm 2006. Năng súât tòan quốc đạt 4,98 T/ha tăng 90 kg / ha, sản lượng đạt khỏang 35,87 triệu tấn, tăng 0,2 % so với năm 2006. Lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,46 tỷ USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 14,4% về giá trị [29]. Chương trình 1,3 triệu ha diện tích gieo trồng lúa / năm với giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, trong đó đồng bằng sông Cửu long là 1 triệu ha và đồng bằng sông Hồng là 300.000 ha đã được chính phủ phê duyệt. Tại ĐBSCL, kế họach 1 triệu tấn thóc chất lượng cao trong vụ Đông Xuân 2006-2007 để chế biến xuất khẩu là mô hình rút kinh nghiệm cho chỉ đạo chương trình 1 triệu ha gieo trồng lúa chất lượng cao xuất khẩu trong vùng. Trong năm 2006, 8 tỉnh ĐBSCL đã đăng ký chính thức 225.000 ha gieo trồng lúa chất lượng cao. Các tỉnh đó là : An Giang (50.000 ha), Long An (40.000 ha), TP Cần Thơ (25.000 ha), Kiên Giang (30.000 ha), Sóc Trăng (20.000 ha), Đồng Tháp (30.000 ha), Tiền Giang (10.000 ha), Hậu Giang (20.000 ha). Bảy giống lúa chất lượng cao (CLC) được đơn vị thu mua chấp nhận là : IR 64, VNĐ 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2717, OM 2718, OM 3536. Sáu giống lúa chất lượng cao được khuyến cáo hiện nay (2008) là : OMCS 2000, VNĐ 95-20, IR 64, OM 2517, OM 2717, OM 3536. Đơn vị hợp đồng thu mua sản phẩm là Tổng công ty lương thực niềm Nam và các công ty thành viên [31]. Đến năm 2010 thì sẽ tổng kết chương trình 1 triệu ha gieo trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Sau nửa chặng đường đi, kết quả hiện còn quá khiêm tốn. Năm 2006, chuẩn bị cho vụ lúa chất lượng cao đầu tiên, các thành viên thuộc Tổng công ty lương thực miền Nam đã ký hợp đồng nguyên tắc với các xã,hợp tác xã (HTX) để thu mua lúa chất lượng cao hàng hóa với giá ưu đãi thêm từ 80-100 đồng /kg. Nhưng kết quả cuối cùng thật khiêm tốn. Đã hợp đồng được 114.116 ha nhưng chỉ mua được 337.861 tấn, đạt 50% so với sản lượng đã hợp đồng và 22,5% sản lượng lúa chất lượng cao đã sản xuất trong vùng [30]. Đối với kế họach 1 triệu ha diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, theo ông Trần Thanh Phong, công tác nhân giống lúa xác nhận hiện còn rất khó khăn, tiến độ thực hiện còn chậm đã làm chậm trễ việc nhân rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao ở các địa phương. Theo kết quả nghiên cứu tại Philippines và Bangladesh, sử dụng giống lúa xác nhận có chứng chỉ chất lượng cao sẽ giúp gia tăng năng suất từ 8-10% [1]. Tăng cường nhân giống và sử dụng giống xác nhận cho vùng qui họach 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu cũng như tòan bộ diện tích sản suất lúa ở đồng bằng sông Cửu long về lâu về dài là một nhu cầu tất yếu khách quan để gia tăng năng suất và chất lượng lúa gạo, giảm giá thành , góp phần đảm bảo cạnh tranh thắng lợi sau khi Việt nam gia nhập WTO. Về công tác nhân giống lúa
Tiêu chuẩn của hạt giống lúa các cấp : (i) Hạt giống tác giả là hạt giống thuần do tác giả chọn, tạo ra. Muốn được công nhận là giống quốc gia hoặc giống được phép sản xuất thử, các giống tác giả đã thuần, không còn phân ly, phải được đưa vào bộ giống khảo nghiệm tại cơ sở Viện Trường. Sau nhiều năm đánh giá, các giống triển vọng sẽ được Viện Trường lập hồ sơ đề xuất để Cục trồng trọt xem xét cho phép đưa vào Bộ khảo nghiệm quốc gia. Sau nhiều năm khảo nghiệm tại nhiều điểm, với số liệu khoa học đầy đủ thì Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ xem xét công nhận. (ii) Hạt giống siêu nguyên chủng là hạt giống được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo qui trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định. Chất lượng hạt giống siêu nguyên chủng là : Độ sạch > 99%; độ thuần= 100%;tỷ lệ nảy mầm > 80%; độ ẩm <13,5%; hạt cỏ dại = 0 hạt / 1 kg hạt giống. Qui trình nhân giống siêu nguyên chủng rất phức tạp và công phu. Do đó thường thì họat động này được thực hiện tại các ViệnTrường. Hiện nay các Trung tâm tỉnh và các công ty có đủ điều kiện vẫn được phép nhân giống siêu nguyên chủng. Vụ thứ nhất là G0 được cấy một tép từ giống tác giả đã thật thuần trên diện tích tối thiểu là 100 m2 và cắm cọc theo dõi tối thiểu 200 cây. Theo dõi rất nhiều chỉ tiêu và lọai bỏ những cây thể hiện độ lệch quá xa số liệu trung bình của quần thể. Có công thức tính chi tiết. Những cá thể này được giữ từng bụi riêng để vụ kế tiếp trồng thế hệ G1. Hạt của nỗi bụi được trồng một băng. Nếu trong mỗi băng còn sự biến động giữa các cá thể thì lọai bỏ hẳn băng đó. Không được khử bỏ cây khác dạng trong băng. Mỗi băng chọn 10 cây tại hai điểm và theo dõi rất nhiều chỉ tiêu. Nếu số băng là thuần nhất trên 85% thì hạt của các băng này được gặt , tuốt và trộn chung với nhau thành hạt siêu nguyên chủng. Các công đoạn rất phức tạp và công phu. (iii) Hạt giống nguyên chủng là hạt giống được nhân lên từ hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định. Tiêu chuẩn đó là : độ sạch > 99%; độ thuần> 99,95%; tỷ lệ nảy mầm > 80%; độ ẩm < 13,5%; số hạt cỏ dại < 5 hạt / 1 kg hạt giống. Nhân giống nguyên chủng bằng cách cấy một tép và khử lẫn triệt để. (iv) Hạt giống xác nhận là hạt giống được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định. Các tiêu chuẩn đó là :Độ sạch > 99%; độ thuần > 99,7%; tỷ lệ nảy mầm >80%; độ ẩm < 13,5%; số hạt cỏ dại < 10 hạt / 1 kg hạt giống. Nhân giống xác nhận được phép sạ hàng và khử lẫn triệt để, nếu dùng biện pháp cấy thì càng tốt. Có thể cấy bằng máy với nhiều tép mỗi hốc [25] Về công tác nhân giống lúa
Công tác lai tạo chọn lọc ra những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng gạo tốt , chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường và ưu việt hơn các giống hiện phổ biến tại từng địa phương là rất quan trong để có nguồn kế thừa nhân lên liên tục. Bên cạnh việc tổ chức sản xuất giống mang tính cộng đồng, các tổ chức khuyến nông và nông nghiệp các cấp cần xây dựng các điểm trình diễn giống mới có triển vọng ngay trên đồng ruộng của nông dân để họ nhận biết và so sánh trực quan nhằm có ý thức chuyển biến trong việc áp dụng giống mới thay thế các giống cũ và nhất là áp dụng giống lúa xác nhận vào sản xuất [22].Tại Hậu Giang các giống được cung ứng trong vụ Hè Thu 2007 là : OM 5930, OM 4498, OM 4495, OM 4668, OM 5900 [13].. Tại Long An , trong vụ Hè Thu năm 2006, các giống được nhân lên là : VNĐ 95-20, OM 3536, OM 3438, OM 2517, OM 2518, OM 2717, OM 1719, VĐ20. Trong năm 2006 tại vùng ĐBSCL, hầu hết các tỉnh gieo trồng các giống chủ lực như : IR 64, OM 1490, OMCS 2000, VNĐ 95-20, VĐ 20, MTL 250, JASMINE 85, OM 2517, OM 2717, OM 2718, OM 2514, OM 3536, OM 2519, OM 2395, OM 4498, OM 4495, ST1, ST5, AS 996, Một Bụi, Trắng Tép, Nam Thơm , nếp. Các tỉnh miền Đông Nam bộ phần lớn sử dụng các giống IR 59606, IR 56279, TH6, TH 41, ML 48, ML 202, MTL 250, VĐ 20, OM 1490. Các giống lúa OM 576, IR 50404 cũng được một số địa phương đưa vào canh tác các vùng khó khăn như đất bị mặn, phèn và hạn hán. Các giống được chỉ đạo giảm diện tích trong vụ Hè Thu và Thu Đông là : JASMINE 85, NẾP, ST3, ST5, VĐ 20 và duy trì các giống VNĐ 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 576. Các giống cần quản lý chặt chẽ là OM 1490 và OM 2717 vì nhiễm rầy nâu nặng [31]. An Giang tổ chức trình diễn bộ giống lúa chống chịu rầy nâu ở các huyện, thị thành để giúp nông dân tìm được giống lúa thích nghi với vùng canh tác tại địa phương và đối phó với tình hình dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá [35]. Các giống cấp nguyên chủng chống chịu rầy nâu được tỉnh An Giang trợ giá để nông dân nhân lên trong năm 2007 là : OM 4900, OM 5930, OM 4498, OM 4495, OM 4872, MTL 384, MTL 466, MTL 500, MTL 499, MTL 532 [35]. Theo chỉ đạo của Cục trồng trọt, các giống cần nhân lên trong năm 2008 là : (i) Nhóm giống chủ lực và bổ sung : IR 50404, OM 576, OMCS2000, OM 2517, VNĐ 95-20, OM 3536, IR 64, OM 4498, OM 2395, AS 996, MTL 384, OM 5930, ML 48. (ii) Nhóm giống triển vọng mới : OM 4900, OM 4668, OM 6035, OM 5625, MTL 499, MTL 465, MTL 399. (iii) Nhóm giống thơm đặc sản : JASMINE 85, VĐ 20, KHAO DAWK MALI, ST 5. (iv) Nhóm nếp, lúa mùa địa phương và mùa cao sản : Nếp Bè, Nàng thơm chợ Đào, Tài Nguyên, TNĐB 100, OM 1352, OM 1350 [30].
Nhu cầu về lượng giống xác nhận hàng năm ở ĐBSCL khỏang 400.000 tấn nếu tính trên cơ sở mỗi ha diện tích gieo trồng cần khỏang 100 kg lúa giống, nhưng năng lực sản xuất của các công ty, trung tâm giống, HTX, tổ hợp tác.. chỉ đáp ứng khỏang 34% [9]. Để đáp ứng mục tiêu lâu dài của phát triển sản xuất lúa gạo, ngày 30/12/1999, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật cho dự án giống lúa xuất khẩu một triệu ha gieo trồng ở 12 tỉnh vùng ĐBSCL và 300.000 ha ở đồng bằng sông Hồng (Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây và Hưng yên) phải bảo đảm cung cấp đủ lượng hạt giống của các giống lúa có phẩm chất gạo cao [11].Trước đây trong xuất khẩu gạo, chúng ta thua Thái Lan 20-40 USD /tấn, hiện nay khỏang cách này đang rút ngắn, thậm chí có lúc chỉ thua 2-3 USD/ tấn. Có được gạo chất lượng phải nói đến công nghệ hạt giống ĐBSCL có những bước tiến vượt bậc.Vào năm 2001, hạt giống tốt (giống xác nhận) chỉ có 2%, đến năm 2003 nâng lên 10%, năm 2004 lên 20% và đến năm 2006 đã có 34% diện tích gieo trồng sử dụng giống xác nhận [18]. Hiện trạng sử dụng giống lúa xác nhận biến thiên từ quốc gia này sang quốc gia khác trong vùng châu Á - Thái Bình Dương [36]. Tổng quát, hệ thống giống chính qui chỉ cung cấp khỏang 10% nhu cầu. Thí dụ như tại Sri Lanka, chỉ có 7% hạt giống được cung cấp bởi hệ thống nhân giống chính qui mặc dù 97% diện tích gieo trồng lúa được trồng bằng giống cao sản. Tỷ lệ này chỉ có 8% tại Thái Lan. Tại Ấn Độ, chỉ có 10% lượng hạt giống được phân phối là giống cấp xác nhận. Ở Myanmar, tỷ lệ này là 4,4% trong vụ mùa 1996-1997. Tại Bangladesh, nhu cầu hạt giống lúa là 800.000 tấn giống nhưng hệ thống công lập chỉ thỏa mãn được từ 5-6% mỗi năm [1]. Số liệu thống kê chứng minh rằng hệ thống cung cấp giống không chính qui là nguồn hạt giống cơ bản cho nông dân vùng châu Á - Thái Bình Dương. -Ở bang Andra Pradesh thuộc Ấn Độ, nơi mà công nghệ hạt giống phát triển mạnh, tỷ lệ nông dân thay đổi hạt giống mỗi mùa là 46%. Ở Hàn Quốc tỷ lệ thay đổi giống lúa mỗi năm là 25%. Ở Việt nam 60 % nông dân thay đổi hạt giống mỗi năm. Phần lớn nông dân Thái Lan thay đổi hạt giống sau 3 đến 5 năm. Trong năm 2006 tại ĐBSCL, diện tích sử dụng giống xác nhận đạt khỏang 34,8% diện tích gieo trồng (DTGT), trong đó vụ Đông Xuân 2005-2006 đạt khỏang 495.765 ha, chiếm 33,3 % DTGT và vụ Hè Thu khỏang 570.261 ha , chiếm 36,5 % DTGT. Các tỉnh có diện tích sử dụng giống xác nhận cao trong sản xuất lúa là An Giang (286.000 ha), Kiên Giang (200.000), Cần Thơ (145.970 ha), Long An (125.300 ha), Vĩnh Long (86.158 ha). Hiện nay chủ trương xã hội hóa công tác nhân giống lúa, đặc biệt là phục vụ vùng lúa xuất khẩu đã và đang phát triển. Một số địa phương đã chỉ đạo sản xuất giống xác nhận tốt là : An Giang , Tiền Giang, Long An , Đồng Tháp [31].Tại Kiên Giang, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân, mỗi năm tòan tỉnh cần khỏang 24.000 tấn lúa giống xác nhận, trong khi đó khả năng của Trung tâm giống Nông-Lâm-Ngư nghiệp, Trung tâm khuyến nông và mạng lưới các hợp tác xã, tổ nhân giống trên địa bàn chỉ có thể đáp ứng được 15-20% nhu cầu. Dự án sản xuất lúa giống cấp xác nhận trên diện tích 3.000 ha của ngành nông nghiệp đã triển khai 5 năm qua (từ năm 2001) song đến năm 2006 mới thực hiện được 1.200 ha. Lượng giống xác nhận sản xuất ra là 6.000 tấn, số còn lại phụ thuộc vào mạng lưới nhân giống từ các HTX nông nghiệp và sự trao đổi giữa nông dân các nơi. Dự án đang thiếu trang thiết bị và cả về mặt nhân sự. Nhu cầu cần có 10 kỹ sư (một kỹ sư phụ trách 300 ha) nhưng vào năm 2006 mới chỉ có 4. Việc qui họach đồng ruộng cũng không tập trung. Ruộng lúa giống, lúa thịt không cách ly, đan xen da beo. Cơ cấu giống và đối tác nhân giống thay đổi luôn. Hiện nay Trung tâm không thể giám sát nổi quá trình sản xuất lúa giống của người dân, do diện tích mỗi vụ thuờng lớn và phân tán ở nhiều địa phương [21].Tại tỉnh Tiền Giang trong vụ Đông Xuân 2006-2007, Trung tâm giống đã chuẩn bị 1.500 tấn giống xác nhận để cung ứng cho các địa phương trong tỉnh. Ngòai ra Trung tâm còn hợp đồng với các đơn vị bên ngòai nên trong vụ này tỉnh đã chủ động được nguồn lúa giống nên nông dân không phải thiếu giống như ở nhiều địa phương khác [26].
Các địa phương trong vùng lúa xuất khẩu đều cho rằng khó khăn hàng đầu của ngành giống là chưa có một hệ thống thông suốt từ trung ương đến địa phương. Từ đó mỗi tỉnh có một mô hình tổ chức cơ quan đảm trách khác nhau: Trung tâm giống nông nghiệp, Trung tâm giống cây trồng đứng riêng hoặc ghép vào Trung tâm khuyến nông. Việc cung ứng giống lúa do vậy đến nay vẫn chưa nhiều và chưa mang tính chuyên nghiệp. Ngòai các điểm bán giống của Trung tâm giống- khuyến nông còn có các hộ bán vật tư phân bón kèm thêm giống lúa [11].Theo ông Ngô Văn Phiếu, trưởng đại diện Cục khuyến nông khuyến lâm cho rằng tại những nơi có nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi, có kinh nghiệm làm giống, nhưng chưa xây dựng được HTX thì mỗi ấp nên có 1-2 gia đình làm chân rết trực tiếp cho Trung tâm giống cấp tỉnh, huyện. Nhà nước nên có văn bản chính thức về việc trợ gía, miễn giảm thuế nông nghiệp trên các diện tích làm giống để củng cố mô hình. Viện- Trường, Trung tâm tỉnh, huyện , HTX và hộ gia đình tham gia sản xuất giống từ giống tác giả ra giống nguyên chủng đến giống xác nhận. Như vậy mới có thể sớm lọai trừ các lọai giống xấu, giống giả ra khỏi hệ thống cung cấp giống [11] Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu, cái yếu nhất của ĐBSCL là công nghệ hạt giống. Trước mắt, chúng ta củng cố và phát triển hệ thống nhân giống từ các Viện, Trường đến các Trung tâm giống của các tỉnh, sao cho hạt giống thực sự có địa chỉ. Lượng giống xác nhận có lúc chỉ bán được 40-60% tổng số giống cung cấp. Việc thuần hoá giống gốc tại các cơ quan nghiên cứu có ý nghĩa quyết định. Nếu không có trợ gía của chương trình 1 triệu ha gieo trồng lúa chất lượng cao xuất khẩu, chúng ta sẽ phải làm gì trong tương lai? Đó là một câu hỏi đầy trách nhiệm đối với các nhà quản lý và các nhà khoa học ở ĐBSCL [18].Dự tóan đầu tư cho giai đọan 2000-2001 của dự án này lên đến 14,9 tỷ đồng. Chỉ tiêu của thời kỳ này là 30% diện tích trồng lúa xuất khẩu đều dùng hạt giống xác nhận. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 50 % [11]. Theo VL ĐBSCL, cơ quan chủ đầu tư dự án, riêng hai năm đầu, với chỉ tiêu 30% diện tích vùng lúa xuất khẩu dùng giống xác nhận, ĐBSCL cần 120.000 tấn giống lúa từ 5 giống lúa chủ lực được xác định là IR 64, OM 1490, OM 2031, VND 95-20, MTL 250 [11]..Tuy nhiên để đạt được tỷ lệ giống lúa xác nhận khỏang 35% cho cả vụ Hè Thu và mùa năm 2007, trong vụ Đông Xuân 2006-2007 tòan vùng phải sản xuất được khỏang 70.000 tấn giống lúa xác nhận, 1.400 tấn giống nguyên chủng và 14 tấn giống siêu nguyên chủng các lọai [19]. Hiện nay, Ông Cục trưởng Cục trồng trọt đang là chủ đầu tư của một dự án giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu giai đọan 2006-2010. Các đơn vị là địa bàn triển khai gồm Viện lúa đồng bằng sông Cửu long, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ. Tại An Giang, từ năm 2000 chỉ có vài cá nhân nhỏ lẽ sản xuất giống thì đến vụ Hè Thu 2004 đã có 64 tổ giống được hình thành, vụ Đông Xuân 2005-2006 đã tăng lên 202 tổ đội sản xuất giống. Trong năm 2007, An Giang đã tổ chức 24 lớp huấn luyện lọc thuần và sản xuất giống lúa nguyên chủng với 607 nông dân tham dự.Ba mươi ba lớp tập huấn cập nhật kiến thức về sản xuất giống lúa cấp xác nhận cho 1.295 nông dân của các tổ đội sản xuất giống. Một lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ kỹ thuật về thông tin, kỹ thuật liên quan đến sản xuất giống lúa [35].Đến nay, năm 2008, trên địa bàn tỉnh đã có tổng cộng 214 tổ sản xuất giống với nhiều qui mô, nhiều hình thức cung ứng giống khác nhau và đã có hơn 3.500 hộ nông dân tham gia sản xuất giống, 100% số tổ giống này đều được Ủy ban nhân dân xã ra quyết định thành lập. Các tổ này nằm rải rác trong 11 huyện thuộc tỉnh. Các huyện có số tổ nhiều nhất là Châu Thành (32 tổ), Chợ Mới (32), Tân Châu (29), Tri Tôn (26). Đặc biệt các tổ nhân giống tại Phú Tân tự nhân giống nếp đủ thoả mãn 100% nhu cầu trong nhân dân vì không có các đơn vị nhà nước cũng như công ty tư nhân lo cho việc này. Trong năm 2007 diện tích nhân giống lúa cộng đồng đạt 9.083 ha, bình quân năng suất đạt 5T/ ha, cộng với năng lực cung ứng giống của Trung tâm giống tỉnh đã giải quyết được 75% nhu cầu giống cho sản xuất. Có 421,19 ha (trên tổng số 9.083 ha) được nhân giống nguyên chủng bằng phương pháp cấy một tép. Các địa phương có diện tích cấy một tép nhiều nhất là Phú Tân (154,7 ha), Chợ Mới (119 ha), Tri Tôn (93,2 ha) [35]. Trong năm 2007, An Giang đã trợ giá 2.394 kg giống siêu nguyên chủng các lọai cho nông dân là thành viên trong tổ nhân giống hoặc HTX, tổ chức nhân giống, với số tiền là 17.637.600 đồng (mức hổ trợ 60% giá giống) [35]. Công ty tư nhân trong tỉnh An Giang cũng đã tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình nhân giống lúa. Thông qua phương thức làm ăn khá bài bản chu đáo và trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, trong thời gian qua Trại sản xuất giống lúa Định Thành (TSXGLĐT) thuộc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (CTCPBVTVAG) không chỉ trở thành một đối tác làm ăn khá tin cậy của nông dân mà còn là nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật, là nơi giúp nông dân làm giàu từ đồng ruộng. Từ năm 1992, trại đã bắt đầu công tác xã hội hóa nhân giống lúa. Trại chọn những vùng sản xuất thuận lợi tiện đường giao thông, dễ vận chuyển, chọn những nông dân chịu khó, chí thú làm ăn để hợp tác. Khi mới bắt đầu công vịêc rất gian nan. Trại chỉ chọn một số nông dân có uy tín trong ấp, trong các tổ hợp tác sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận để gầy dựng phong trào. Với phương thức cho người dân ứng vốn trước bằng cách cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, sau đó tới mùa vụ thu hoạch mới thu tiền. Giá lúa giống giảm 1.000 đồng / kg so giá gốc, không tính lãi. Tới khi thu họach nếu vụ Hè Thu thì khi bà con vừa suốt lúa xong là nhân viên của Trại đến tận ruộng thu mua đem về sấy. Nếu là vụ Đông Xuân, sau khi bà con phơi xong cũng được thu mua tận ruộng, thỏa thuận theo giá thị trường tùy từng lọai giống cộng thêm từ 200 đến 370 đồng / kg tùy mùa (vụ Đông Xuân năm 2006-2007 cộng thêm 370 đồng). Nhờ được chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa giống xác nhận, được cung cấp các loại lúa giống tốt, người dân thu hoạch đạt năng suất rất cao từ 6-7 tấn /ha, có người đạt 8-9 tấn /ha. Người nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa thường. Với cách làm ăn như thế, chỉ sau vụ đầu tiên, người dân đã tìm đến Trại đăng ký trồng lúa giống. Vì vậy, Trại không phải tìm “đối tác” mà chỉ cần chọn lọc “ đối tác”. Yếu tố con người được đưa lên hàng đầu. Qua đó Trại đã hợp tác trồng lúa giống xác nhận trên 500 ha, với hơn 60 nông dân, không những trong tỉnh An Giang (Châu Thành , Thọai Sơn) mà còn ở tỉnh khác như Đồng Tháp (Lấp Vò) [23]..Trung tâm giống thuộc CTCP BVTVAG hiện nay tập trung nhân giống nguyên chủng và cung cấp cho vệ tinh ở các tỉnh là nông dân hay các tổ liên kết để họ nhân ra giống xác nhận. Trung tâm mua lại cao hơn 40-50% so với giá thị trường. Trung tâm hiện có 10 cơ sở vệ tinh như vậy và mỗi cơ sở có diện tích từ 50-100 ha [16]. Theo ông Đặng Văn Dũng (CTCPBVTVAG) thì tại ĐBSCL lượng giống cần gieo sạ hàng năm ít nhất là 500.000 tấn. Hiện có khỏang 40% diên tích lúa ở ĐBSCL được nông dân gieo sạ bằng giống xác nhận (200.000 tấn) nhưng trên thực tế, khả năng cung cấp của các cơ sở sản xuất giống chỉ đạt tối đa 150.000 tấn, còn thiếu 50.000 tấn. Các cơ sở sản xuất lúa giống chủ lực hiện nay ở ĐBSCL là Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống của CTCPBVTVAG, công ty giống cây trồng Đồng Tháp, Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam, Viện lúa ĐBSCL. Các cơ sở này hàng năm chỉ có thể cung ứng cho thị trường khỏang 25.000 tấn. Các tổ sản xuất giống của nông dân nhân giống lúa nguyên chủng từ các cơ quan nghiên cứu khoa học và sản xuất giống lúa xác nhận được khỏang 125.000 tấn [16].Năm 2006, CTCPBVTVAG bán ra thị trường gần 5000 tấn giống lúa xác nhận và giống nguyên chủng. Số lượng cung ứng của năm 2007 là 6.400 tấn [16] Năm 2006, theo Cục trồng trọt, diện tích lúa được gieo trồng bằng giống lúa xác nhận ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ hiện đạt tỷ lệ khỏang 30%, và phấn đấu tăng diện tích sử dụng giống lúa xác nhận ổn định ở mức 50% vào năm 2010 (bình quân mỗi năm tăng 5% [19]. Vào những năm 2003-2004, các nhà khoa học và lãnh đạo nông nghiệp địa phương cố gắng vận động nông dân tham gia phong trào nhân giống lúa. Tuy nhiên hiện nay nông dân tự tìm đến các cơ quan khoa học, Trung tâm giống để đăng lý làm vệ tinh sản xuất giống xác nhận bởi 1 kg lúa thường chỉ có giá 2.800-2.900 đồng, còn giống xác nhận lên tới 4.100 đồng. [16] Tại TP Cần Thơ, công tác nhân giống lúa ba cấp được mạng lưới khuyến nông các quận huyện tích cực triển khai. Tuy diện tích và sản lượng sản xuất giống năm 2007 ít hơn so với cùng kỳ nhưng về chất lượng có nâng lên, thể hiện diện tích nhân giống lúa nguyên chủng tăng 303,4 ha so với năm 2006. Bà con nông dân sản xuất lúa giống tập trung trong vụ Hè Thu và Thu Đông. Năm 2007, vụ Hè Thu, Thu Đông diện tích sản xuất lúa giống so cùng kỳ nhiều hơn 1.411 ha (2.385ha/ 973 ha), sản lượng lúa giống cũng nhiều hơn so với cùng kỳ 4.834 Tấn (8.343 Tấn/ 3.509 Tấn). Số hộ tham gia sản xuất giống ba cấp trong hai vụ Hè Thu và Thu đông năm 2007 được 1.446 hộ [24]..Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Tiền Giang bức xúc : “ Chính sách nhà nước hổ trợ theo chương trình giống quốc gia mới chỉ dừng lại ở cấp Vịên nghiên cứu và cấp tỉnh. Những hộ dân đang sản xuất giống xác nhận chưa được hưởng bất kỳ chính sách ưu đãi nào. Họ phải mua giống nguyên chủng (từ các trại giống của tỉnh) với giá cao- tới 3.700-3.800 đồng / kg, nhưng khi bán ra chỉ tương đương với giá lúa thường, tức là khỏang 2.200-2.300 đồng / kg. Lỗ vậy nên chẳng mấy ai ham tham gia chương trình tự nguyện sản xuất giống. Trong khi đó, 4 trại giống ở tỉnh này có căng sức sản xuất cũng chỉ được trên dưới 500 tấn giống từ nguyên chủng đến xác nhận để bán cho nông dân. Số lượng đó, rõ ràng không thấm vào đâu so với nhu cầu giống lúa chất lượng cao của nông dân trong tỉnh. Ông Khang kiến nghị cần bổ sung chính sách trong chương trình giống quốc gia đến tận hộ tình nguyện sản xuất giống và phải hổ trợ giá chênh lệch cho họ [18].Theo ông Nguyễn Trung Tiền (Kiên Giang) Trung tâm giống cấp tỉnh cho các HTX trong mạng lưới nhân giống vay không lãi để sản xuất theo định mức 2,1 triệu đồng/ ha hoặc 1,4 triệu đồng / ha. Cuối vụ, các HTX trả lại bằng tiền mặt hoặc bằng lúa trên cơ sở người nhân giống được trợ giá 10-15% giá cả lương thực hiện hành [11] Trong năm 2006, Trung tâm khuyến nông Long An đã củng cố xây dựng được gần 200 tổ nhân giống ở 14 huyện thị và nhân giống trên 100 ha trong vụ Hè Thu. Về phương thức , Trung tâm chịu trách nhiệm cung cấp giống nguyên chủng miễn phí, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân cải tạo đồng ruộng, chăm bón theo từng giai đọan phát triển của cây lúa, thu mua tòan bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 500 đếm 1000 đồng / 1 kg thóc, khuyến khích bà con sản xuất giống, tạo nguồn giống xác nhận cho vụ Đông Xuân 2006-2007 [34]. Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang trong vụ Hè Thu 2007 chỉ cung ứng ra thị trường khỏang 88 tấn giống nguyên chủng và xác nhận, đáp ứng nhu cầu khỏang 1.100 ha [13].Theo ông Phạm Hòai An, Phó giám đốc trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, với lượng lúa giống nguyên chủng và giống xác nhận hiện có, chỉ có thể đáp ứng khỏang 40% tổng diện tích gieo sạ vụ hè Thu năm 2007. Riêng lượng giống nguyên chủng là 100 tấn được cung cấp để cộng tác viên nhân lên cấp xác nhận nhằm phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2007-2008 [13]. Về công tác nhân giống lúa
Xử lý hạt lúa giống sau thu họach đòi hỏi phải có một công nghệ hòan chỉnh từ khâu sấy khô, làm sạch hạt, tồn trữ hạt v.v. Tồn trữ đựơc lâu dài là quan trọng để cung cấp hạt giống quanh năm, bất cứ lúc nào với khối lượng lớn. Ở những nước phát triển, hệ thống kho lạnh hiện đại giúp giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên ở những xứ đang phát triển nhất là vùng sâu vùng xa sẽ không có được các cơ sở hiện đại đắt tiền. Tồn trữ hạt giống lúa bằng túi yếm khí là một sự thay thế khả thi. Viện lúa đồng bằng sông Cửu long đã bắt đầu nghiên cứu tồn trữ hạt giống lúa bằng túi yếm khí từ năm 2004. Đến nay kết quả rất khả quan và có thể chuyển giao phục vụ sản xuất. Nguyên lý chung là túi yếm khí hạn chế tối đa không khí và hơi nước xuyên qua màng túi. Hạt tồn trữ phải đạt độ khô 12% trở xuống. Trong quá trình tồn trữ, hạt trong túi yếm khí sẽ tiếp tục hô hấp, sử dụng dưỡng khí (oxygen) làm cạn kiệt nguồn dưỡng khí trong túi gây ra sự chết ngạt cho côn trùng kho vựa. Trong quá trình hô hấp, hạt lúa phóng thích ra thán khí (CO2) và lọai khí này ức chế sự họat động, sinh trưởng phát triển của nấm mốc bám trên vỏ trấu. Trong túi ít oxygen, hạt hô hấp ít và càng sống lâu. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tế tại hộ nông dân cho thấy trữ yếm khí đến tháng thứ 12, tỷ lệ nảy mầm của hạt lúa vẫn còn 92,9 % trong khi hạt trữ hảo khí bằng bao tải thông thường (bao đay, bao PP...) theo tập quán nông dân thì hạt chết hòan tòan. Có thể sử dụng kỹ thuật này để tồn trữ hạt giống phục vụ một cách chủ động cho bất cứ vụ sản xuất nào trong năm, đặc biệt là hạt giống có chất lượng cao có chứng chỉ và được sản xuất trong vụ Đông Xuân hàng năm.
Hạt lúa muốn đạt yêu cầu làm giống phải qua khâu kiểm định đồng ruộng và khâu kiểm nghiệm chất lượng trong phòng thí nghiệm. Việc kiểm định đồng ruộng, lấy mẫu, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng giống lúa phải tuân thủ theo qui định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Người kiểm định, người lấy mẫu giống lúa phải có giấy chứng nhận là người lấy mẫu, người kiểm định do Cục trưởng Cục trồng trọt cấp [8].Hạt giống lúa cấp siêu nguyên chủng (SNC), hạt lai F1 sau vụ thu hoạch phải được hậu kiểm theo qui trình do Bộ Nông Nghiệp & PTNT ban hành [8].Ở Cần thơ, đã có khỏang 80% diện tích lúa gieo sạ bằng giống xác nhận, nhưng đó là nguồn giống trong dân tự chia sẻ với nhau, chứ chưa qua cơ quan có chức năng thẩm định và công nhận [9].Trong vụ Đông Xuân 2006-2007, lợi dụng tình hình sốt lúa giống, nhiều thương lái mua lúa thường rồi lựa ra lọai tốt (còn nảy mầm), gắn mác là giống xác nhận để bán cho nông dân kiếm chênh lệch [16].An Giang đã hợp tác và mời chuyên gia của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng phía Nam đào tạo cho hơn 20 cán bộ kiểm định đồng ruộng. Những cán bộ này được bố trí kiểm định đồng ruộng tại các ruộng nhân giống nguyên chủng cấy một tép.Năm 2007, An Giang đã gởi 38 mẫu hạt giống lúa về TTKKNGCTPN để kiểm nghiệm chất lượng hạt giống. Kết quả độ sạch 99,1-99,8 % khối lượng; hạt cỏ từ 0-2 hạt / kg; ẩm độ 11,5-18,4%; hạt khác giống :0,02-0,36%; tỷ lệ nảy mầm : 80-95% [35]..Thiếu cơ quan kiểm nghiệm hạt giống trong vùng. Tòan ĐBSCL chỉ mới có 1 Trung tâm kiểm nghiệm giống nông nghiệp thuộc CTCPBVTVAG [9]..Bộ môn công nghệ hạt giống (VLĐBSCL) cũng đang được đầu tư trên 2 tỷ đồng để thành lập phòng kiểm nghiệm hạt giống đạt chuẩn cấp ngành thay cho tình trạng hiện nay phải phối hợp với Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng phía Nam để kiểm định, kiểm nghiệm hạt giống [10].
Kết quả nghiên cứu tại Philippines và Bangladesh cho thấy sử dụng hạt giống có chứng chỉ với chất lượng tốt giúp gia tăng năng suất từ 8-10%. Ước tính tại Bangladesh cho thấy nếu dùng hạt giống chất lượng tốt thì sản lượng lúa hàng năm gia tăng được 2,1 triệu tấn và giá trị tăng thêm đạt 420 triệu USD [1].Theo GS.TS Nguyển Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu long thì năng suất của lúa trồng bằng giống xác nhận cao hơn những giống đã dùng lâu trong sản xuất khỏang 5 đến 10%. Ở nhiều trường hợp cụ thể, tỷ lệ trên còn cao đến gấp hai lần hay có khi tăng hàng tấn thóc / ha. Ý nghĩa của giống lúa xác nhận còn ở chỗ kéo dài được thời gian sử dụng của giống, giúp nông dân sản xuất dễ dàng hơn [11].Tại An Giang năm 2007, ngòai việc sản xuất giống giúp cung cấp nguồn giống tốt, thuần, đạt chất lượng, năng suất và giá lúa năm nay ở mức cao nên đa số nông dân sản xuất giống rất phấn khởi. Kết quả điều tra, nông dân sản xuất giống xác nhận có thu nhập cao hơn sản xuất lúa hàng hóa từ 2-3,5 triệu đồng / ha và đa số thành viên các tổ sản xuất giống đều bán được giống [35]..Người nông dân sản xuất bình thường, nếu sử dụng giống lúa xác nhận thì năng suất gia tăng từ 0,5 -0,6 T/ ha so với sản xuất bằng giống lẫn tạp do tự để giống [35].Nông dân tên E tại TP Long Xuyên khẳng định dùng giống lúa xác nhận ai cũng thấy năng suất cao hơn, lúa ít lẫn tạp, ruộng nhìn rất đẹp vì lúa không có nhiều tầng khác nhau, sâu bệnh ít hơn, tốn ít giống vì tỷ lệ nảy mầm cao hơn lúa thường.. Đặc biệt nhất là trong vài năm gần đây các thương lái cũng thường mua với giá cao hơn ở những diện tích trồng bằng giống xác nhận vì lúa không bị lẫn tạp, gạo có độ đồng đều cao. Đây là nguyên nhân quan trọng kích thích nông dân dùng giống xác nhận. Ông Trang Thành Long, một nông dân ở phường Mỹ Hòa (TP Long Xuyên , An Giang) đã làm thử và so sánh khá thuyết phục. Cùng diện tích một công, nhưng giống lúa thường chỉ cho năng suất 50 giạ, trong khi giống xác nhận thu được 62 giạ (20 kg / giạ). Dùng giống xác nhận, tỷ lệ gia tăng năng suất là 24% [16]. Tuy nhiên nhiều nơi nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán không tiên tiến. Năm 2005, giống lúa cấp xác nhận được đưa vào sản xuất trên đồng ruộng chưa nhiều. Tập quán của nông dân thường trữ lúa ăn vụ trước để làm giống cho vụ sau nên giống dễ bị lẫn tạp, hơn nữa nông dân thích giống gì thì trồng giống ấy dẫn đến chất lượng gạo không cao. Năm 2004, trước tình hình xuất khẩu gạo thơm đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân đổ xô vào trồng. Từ diện tích 60.000 ha năm trước, nay tăng lên 180.000 ha, chất lượng gạo thì có đến 40% gạo bị lẫn với các giống khác, hậu quả là nhiều khách hàng đã từ chối không mua [12]
Cuối tháng 2/2008, giá thương phẩm của các giống OM đã ở mức 4000-5000 đồng / kg, nếu tính theo công thức 1 kg lúa giống xác nhận bằng 1,5 lần lúa hàng hóa, nhiều người dân than phiền vì giá lúa giống cao [9]..Các tổ nhân giống lúa cộng đồng ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ hạt giống. Trong năm 2007 tại An Giang các tổ thuộc 5 huyện là Thọai Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Phú đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa giống trên diện tích 1.102 ha. Số liệu tương ứng từ các địa phương này là : 960 ha ; 212; 100; 40 và 2 ha. Các đơn vị thu mua là Trung tâm giống Bình Đức, Trạm khuyến nông Chợ Mới, Công ty TNHH Bình Minh. Giá thu mua lúa giống cao hơn lúa thịt cùng thời điểm biến động từ 250- 500 đồng / kg tùy theo hình thức mua trực tiếp lúa tươi hay mua lúa khô [35].Tại Huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang trong vụ Hè Thu năm 2007, lúa nguyên chủng có giá lên đến 5.800 đồng / kg, cao gấp đôi lúa thường, nhưng tìm mua rất khó [13].Tại HTX Vị Đông, vụ Hè Thu 2007 chỉ cung ứng ra thị trường được khỏang 16 tấn giống nguyên chủng. Tập quán của các thành viên câu lạc bộ là chỉ sản xuất lúa thịt vào vụ Đông Xuân, nên lượng giống còn rất ít, chỉ cung ứng đủ cho các hộ dân gieo sạ trong vùng [13].Trong vụ Đông Xuân 2006-2007, chưa bao giờ bà con nông dân trong tỉnh Kiên Giang lại thiếu lúa giống xác nhận như vụ Đông Xuân này. Vào thời điểm gieo sạ hàng lọat, giá lúa tăng vọt lên 5.500 đồng /kg, cao hơn cùng kỳ năm ngóai 2.000 đồng, nhưng cũng rất khó mua [21]..Lúa giống đạt chất lượng yêu cầu nhưng bán ế cũng là một vấn đề. Tại Kiên Giang, lẽ ra lượng lúa giống dự trữ phải được lưu giữ sau khi lịch gieo sạ chấm dứt từ 1-2 tháng mới được bán và tất nhiên giá bán tại thời điểm đó phải được tính cho lúa hàng hóa , nhà nước bù lỗ. Nhưng vì một số cán bộ có thẩm quyền vẫn khăng khăng duy trì như mức giá lúa giống. Chính điều này đã làm cho nông dân gặp khó khăn, như vậy là thiếu tính chuyên nghiệp [21]. Nếu công ty nhà nước đã thu mua lúa đạt tiêu chuẩn giống thì thanh tóan ngay khi nhập kho với giá giống cho nông dân. Việc bán ế là công ty nhà nước phải gánh, không nên để người dân chịu Một số ý kiến đề xuất Ở đồng bằng sông Cửu long, canh tác lúa bằng phương pháp sạ thẳng là phổ biết nên nhu cầu lượng hạt giống hàng năm rất lớn. Nhà nước trung ương (Bộ Nông nghiệp&PTNT) và lãnh đạo chính quyền địa phương cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng để chỉ đạo sản xuất và cung ứng lúa giống chất lượng cao có chứng chỉ đầy đủ, kịp thời phục vụ sản xuất trong vùng, đặc biệt trước mắt là trên diện tích 1 triệu ha trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến như sau: - Bộ Nông Nghiệp & PTNT cần có chủ trương mang tính chất định hướng để Cục trồng trọt, các Cục, Vụ, Viện và các Sở Nông nghiệp&PTNT các tỉnh trong vùng xây dựng một dự án về đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm hạt giống trong vùng. Mục tiêu cần phấn đấu đạt được là đến năm 2015, 12 tỉnh thành trong vùng ĐBSCL (tỉnh An Giang đã được đầu tư), mỗi tỉnh đều có được một phòng kiểm nghiệm hạt giống cho chính địa phương mình với đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để họat động. Tổng kinh phí khỏang 24 tỷ đồng. Cục trồng trọt thuộc Bộ là chủ đầu tư. Có thể xây dựng phương án chia sẽ kinh phí giữa trung ương và từng tỉnh theo tỷ lệ 70-30; 50-50 hoặc 40- 60. - Trong khi chờ đợi mỗi tỉnh trong vùng có phòng kiểm nghiệm, cần có chính sách khích lệ các chuyên viên có tay nghề cao của các phòng kiểm nghiệm hiện có hoặc sắp hòan thành ( chia ca làm hàng ngày và cả ban đêm, làm cả ngày thứ bảy , chủ nhật..) tại : TTKKNGCTPN, công ty giống cây trồng miền Nam, CTCPBVTVAG, VLĐBSCL, Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang nhận mẫu ở các địa phương gởi về để xác định. Thật ra các phòng kiểm nghiệm này chủ yếu xác định chỉ tiêu độ thuần mà thôi. Các chỉ tiêu khác như : độ sạch, tỷ lệ nảy mầm , độ ẩm , số hạt cỏ dại / 1 kg hạt giống thì các cán bộ tại địa phương đã được tập huấn về kiểm định đồng ruộng đều có thể hòan thành nhiệm vụ.Các công đọan này cần được sắp xếp nhịp nhàng, khoa học để việc cấp chứng chỉ, đóng bao hạt giống không bị chậm trễ. - Chính quyền ngành nông nghiệp ở các tỉnh, huyện, các địa phương nên có chính sách khích lệ những cán bộ kiểm định đồng ruộng, kiểm nghịêm hạt giống tại địa phương, bằng tinh thần và vật chất trích từ quỹ dịch vụ kiểm định kiểm nghiệm để anh em công tác tốt, góp phần nâng cao sản lượng hạt giống có chứng chỉ tại địa phương.Hàng năm nên dự trù kinh phí để hổ trợ dài hạn lãi súât ngân hàng nhằm giúp các HTX, các CLB nhân giống mua sắm một số máy móc tối cần thiết như : máy sấy lúa, máy giê lúa, máy đo độ ẩm hạt, máy may bao... - Bà con nông dân tham gia nhân giống các cấp, đặc biệt là giống cấp xác nhận, sẵn sàng phấn đấu cao nhất để ruộng sạ hàng của mình trồng bằng giống nguyên chủng luôn đạt tiêu chuẩn của giống xác nhận. Tham gia làm vệ tinh tích cực cho các công ty kinh doanh hạt giống. Liên kết nhiều nông dân lại để hình thành các doanh nghiêp tư nhân. Tuy nhiên, bà con nên trữ dài hạn bằng túi yếm khí tại nhà mình và sẵn sàng bán lúa giống với giá cao hoặc trữ dài hạn (bán lúa giống ế) bằng cách bán gạo xay chà chất lượng cao vào thời điểm giáp hạt, khỏang 2 tháng sau khi kết thúc đợt gieo sạ tập trung nhưng vẫn có lời cao hơn so với bán lúa ăn giá rẽ ngay khi vừa thu họach xong. - Bộ NN &PTNT nên có chủ trương để các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt nam sọan thảo một văn bản pháp qui về sự đóng góp của các công ty kinh doanh hạt giống đối với các cơ quan Viện Trường lai tạo chọn lọc ra các giống lúa thuần mới. Thử tính một bài tóan. Giả sử 50% lượng giống xác nhận hàng năm (200.000.000 kg) trong vùng đều được các công ty thuộc Hiệp hội kinh doanh. Mỗi kg lúa giống xác nhận công ty đóng góp về cho Viện Trường 200 đồng. Trong số các giống lúa mà các công ty kinh doanh thì 40% do VLĐBSCL tạo ra, 30 % từ VKHKTNNMN, 30% từ Trường ĐHCT thì các cơ sở trên mỗi năm được một khỏan kinh phí để đầu tư cho nghiên cứu tạo giống mới(cũng như giữ giống gốc, nhân giống siêu nguyên chủng) tương ứng là : 16 tỷ , 12 tỷ và 12 tỷ đồng. Để phương án này có thể thực thi sớm , khía cạnh “tình” nên đặt nặng hơn khía cạnh “lý” , và các công ty chỉ cần tăng lên 200 đồng một kg lúa giống. Nếu giống tốt thật sự thì người nông dân sẵn sàng chấp nhận mua. Mức đóng góp cho giống nguyên chủng có thể là 400 đồng/kg.Thực tế trước mắt, lượng hạt giống mà các công ty đang kinh doanh vào khỏang 25.000 tấn / năm. Với cách tính trên thì mỗi Viện Trường nêu trên được một khỏan kinh phí nghiên cứu tạo giống là 1,67 tỷ đồng/ năm. - Tổng công ty lượng thực miền Nam và các công ty thành viên đã có chủ trương tăng thêm 100 đồng / kg lúa hàng hóa đối với giống chất lượng cao được trồng từ giống cấp xác nhận.Nếu mỗi năm công ty thu mua được 1 triệu tấn thóc thì chi phí hổ trợ là 100 tỷ đồng. Theo suy nghĩ của chúng tôi thì cách tài trợ này không hiệu quả. Nên chăng Tổng công ty nên tài trợ cho những đơn vị và cá nhân nhân giống xác nhận chất lượng cao để phục vụ vùng lúa xuất khẩu. Với 1 triệu tấn lúa xuất khẩu thì chỉ cần 200.000 ha gieo trồng và nhu cầu hạt giống là 20.000.000 kg. Mỗi kg lúa giống, người nông dân trực tiếp nhân giống cần được tài trợ 1.000 đồng/ 1 kg (bao gồm 200 đồng túi yếm khí, 100 đồng kiểm định kiểm nghiệm , 700 đồng công chăm sóc , khử lẫn, lãi súât ngân hàng khi giữ lúa giống bị ế) thỉ tổng chi phí chỉ có 20 tỷ đồng , bằng 1 phần năm so với dự chi của tổng công ty. Nếu đến năm 2010 , ĐBSCL chúng ta đạt kế họach 1 triệu ha diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao xuất khẩu, mỗi năm trồng hai vụ , mỗi vụ 500.000 ha , một vụ năng suất 5 tấn/ ha (10 tấn / ha / năm) thì tồng sản lượng sẽ là 10 triệu tấn thóc ( khỏang 6,5 triệu tấn gạo chất lượng cao). Với 1.000.000 ha, lượng hạt giống cần là 100.000.000 kg , mỗi kg tài trợ 1000 đồng thì tổng chi phí cũng chỉ có 100 tỷ đồng và chỉ tương đương khỏang 2% của tổng tiền lời do xuất khẩu gạo hàng năm của Việt nam.
(Ghi chú: Bài này đã được biên tập và đăng trong Tuyển tập Hội nghị nâng cao chất lượng giống cây trồng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu long do UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp tổ chức ngày 29 tháng 4 năm 2008 tại Vĩnh Long) Dương Văn Chín
|
Bài nguyên bản: http://botanyvn.com:443/cnt.asp?param=news&newsid=559 © Copyright 2007-2023 BVNGroup, website http://www.botanyvn.com ® BVNGroup. Mọi nội dung được sử dụng lại đều phải ghi rõ nguồn gốc từ website này. |