Cóc hồng (Lumnitzera rosea (Gaud.) Presl. 1834), thuộc chi Lumnitzera, họ Bàng Combretaceae, bộ Sim Myrtales. Khi nghiên cứu thảm thực vật RNM nằm trong địa phận khách sạn Tân Mỹ (nay là Khu nghỉ dưỡng Sinh thái Tam Giang) thuộc xã Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cóc hồng đã được phát hiện với một cây duy nhất và không thấy hiện tượng tái sinh tự nhiên của nó trong khu vực nghiên cứu (Lê Thị Trễ, 1988). Trong danh lục thống kê về thành phần loài cây ngập mặn ở Việt Nam và ở Thừa Thiên Huế chưa hề thấy loài này (Nguyễn Khoa Lân, 1995; Phan Nguyên Hồng và Hoàng Thị Sản, 1993) vì vậy đây là loài thực sự quí hiếm ở Việt Nam.
Hạt phấn là thể mang giao tử đực. Các hạt phấn khác nhau về thành phần hóa học, cấu trúc hình thái và ý nghĩa về mặt sinh học và sinh lý học. Phức hệ cấu trúc màng ngoài của hạt phấn là nơi tích trữ carbohydrate, glycoprotein, lipid, terpenoid và phenolic. Nhân hạt phấn giàu chromatin và hạt phấn hữu thụ bắt màu đỏ đậm trong khi hạt phấn bất thụ bắt màu nhạt hoặc không bắt màu. Hạt phấn hữu thụ sau khi rơi vào núm nhụy của hoa cùng cây hoặc khác cây, cùng thứ hoặc cùng loài dưới các điều kiện bình thường sẽ bắt đầu mọc ống phấn và đưa giao tử đực của nó vào túi phôi dẫn đến sự thụ tinh. Khả năng thụ phấn của hạt phấn có thể được xác định bằng cách sử dụng test độ hữu thụ hạt phấn in vitro. Nó rất quan trọng trong việc tạo quả và tạo hạt ở cây có hoa. Vì vậy các kiến thức liên quan đến độ hữu thụ của hạt phấn đối với bất kỳ loài cây nào là cần thiết và quan trọng đối với các nhà chọn giống thực vật (Reijieli R. Rigamoto, 2002), đặc biệt đối với các loài có khả năng tái sinh tự nhiên rất thấp như Cóc hồng ở Thừa Thiên Huế.
Phương pháp nghiên cứu
Vật liệu
Hoa tươi của Cóc hồng (Lumnitzera rosea (Gaud.) Presl. 1834) (hình 3) được thu thập ở xã Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong khoảng 16º31 vĩ độ Bắc và 107º38 kinh độ Đông, cách thành phố Huế khoảng 13 km về phía Đông (hình 2).
Phương pháp nghiên cứu
Đo kích thước hạt phấn
Phương pháp đo kích thước hạt phấn được tiến hành theo John K. Kelly và đồng sự (2002). Hạt phấn được chọn lọc từ hoa vừa hé nở của cóc trắng cho vào eppendorf có chứa 60µl acetocarmin 5% . Eppendorf được vortex để các hạt phấn tách rời khỏi bao phấn hoàn toàn. Mẫu được phân tích dưới kính hiển vi quang học với trắc vi thị kính và trắc vi vật kính. Đo đường kính của 35 hạt phấn hữu thụ và 35 hạt phấn bất thụ. Thí nghiệm được lặp lại 5 lần.
Xác định độ hữu thụ của hạt phấn
Độ hữu thụ của hạt phấn được xác định theo Reijieli R.
Rigamoto và đồng sự (2002). Bao phấn trưởng thành được nghiền để thu hạt phấn. Nhuộm hạt phấn với aceto-carmine 5%. Sau đó cho lên tiêu bản để quan sát dưới kính hiển vi quang học. Mỗi tiêu bản chọn ngẫu nhiên 10 vi trường để quan sát dưới vật kính 10x (độ phóng đại 100 lần). Các hạt phấn bắt màu đậm là các hạt phấn hữu thụ, các hạt phấn không bắt màu hoặc bắt màu nhạt là các hạt phấn bất thụ. Độ hữu thụ của hạt phấn là tỉ lệ phần trăm số hạt phấn hữu thụ trên tổng số hạt phấn đếm được trong vi trường.
Hình 1: Cây Cóc hồng ở Khu nghỉ dưỡng Sinh thái Tam Giang (xã Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Hình 2: Địa điểm thu mẫu
Hình 3: Hoa Cóc hồng (Lumnitzera rosea (Gaud.) Presl. 1834)
Xác định sản lượng hạt phấn của hoa
Sản lượng hạt phấn của hoa được xác định bằng cách sử dụng buồng đếm tế bào (hemacytometer) (John K. Kelly và đồng sự, 2002). Dung dịch hạt phấn được cho vào buồng đếm. Sau đó đếm số lượng hạt phấn hữu thụ và số lượng hạt phấn bất thụ.
Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý thống kê bằng phần mềm MS Excel.
Kết quả và thảo luận
Kích thước hạt phấn
Tiến hành đo đường kính hạt phấn hữu thụ và hạt phấn bất thụ của Cóc hồng (L. rosea) dưới kính hiển vi quang học. Kết quả đo đường kính hạt phấn hữu thụ và hạt phấn bất thụ của Cóc hồng (L. rosea) được trình bày ở bảng 1.
Bảng 1. Đường kính hạt phấn hữu thụ và hạt phấn bất thụ của Cóc hồng (L. rosea) (µm)
Lần TN | Đường kính hạt phấn hữu thụ | Đường kính hạt phấn bất thụ |
Khoảng biến thiên | Đường kính±SE | Khoảng biến thiên | Đường kính±SE |
1 | 19,80-29,70 | 25,46±0,45 | 19,80-38,61 | 25,23±0,97 |
2 | 19,80-38,61 | 26,84±0,58 | 12,87-41,58 | 24,75±0,89 |
3 | 21,78-31,68 | 26,81±0,41 | 9,90-33,66 | 23,73±0,91 |
4 | 20,79-34,65 | 28,03±0,69 | 16,83-37,62 | 25,71±0,94 |
5 | 21,78-31,68 | 26,62±0,42 | 18,81-34,65 | 26,33±1,03 |
Chung | 19,80-38,61 | 26,75±0,51 | 9,90-41,58 | 25,15±0,95 |
Kết quả ở bảng 1 cho thấy đường kính trung bình của hạt phấn hữu thụ của Cóc hồng (L. rosea) là 26,75 ± 0,51µm; biến thiên trong khoảng từ 19,80-38,61µm; đường kính trung bình của hạt phấn bất thụ là 25,15 ± 0,95µm; biến thiên trong khoảng từ 9,90-41,58µm. Như vậy đường kính trung bình của hạt phấn hữu thụ và đường kính trung bình của hạt phấn bất thụ là tương đương nhau, nhưng độ biến thiên kích thước hạt phấn bất thụ (9,90-41,58µm) là lớn hơn nhiều so với hạt phấn hữu thụ (19,80-38,61µm).
Độ hữu thụ của hạt phấn
Sau khi nhuộm hạt phấn bằng aceto-carmine 5%, chúng tôi tiến hành quan sát và đếm trực tiếp số lượng hạt phấn hữu thụ và số lượng hạt phấn bất thụ dưới kính hiển vi quang học. Kết quả xác định độ hữu thụ của hạt phấn Cóc hồng (L. rosea) được trình bày ở bảng 2. Kết quả trình bày ở bảng 2 cho thấy độ hữu thụ trung bình của hạt phấn Cóc hồng là 19,53%; biến thiên trong khoảng từ 4,55-38,46%. Kết quả nghiên cứu của Rigamoto và đồng sự (2002) về độ hữu thụ của 32 loài cây ngập mặn ven biển Rotuma cho thấy 4 loài có độ hữu thụ nhỏ hơn 50% là Canavalia cathartica (38 ± 2,5%), Canavalia rosea (40 ± 3,1%), Psychotria paaifica (41 ± 2,9) và Canavalia astatica (45 ± 3,2); 16 loài có độ hữu thụ hạt phấn từ 50-80% và 12 loài còn lại có độ hữu thụ đạt từ 80-100%. Như vậy độ hữu thụ của hạt phấn Cóc hồng (L. rosea) ở Thừa Thiên Huế là rất thấp. Kết quả này góp phần lý giải tại sao không phát hiện thấy sự tái sinh trong tự nhiên của cây ở nơi tìm thấy Cóc hồng tại xã Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bảng 2. Độ hữu thụ của hạt phấn Cóc hồng (L. rosea) (%)
Lần TN | Tổng số hạt phấn quan sát | Độ hữu thụ của hạt phấn |
Khoảng biến thiên | Trung bình |
1 | 1553 | 9,09-26,32 | 17,32±0,83 |
2 | 1459 | 4,55-35,90 | 19,50±1,57 |
3 | 1481 | 6,52-38,46 | 19,45±1,42 |
4 | 1996 | 9,33-37,93 | 21,27±1,31 |
5 | 1896 | 6,67-37,10 | 20,12±1,17 |
Chung | 8385 | 4,55-38,46 | 19,53±1,26 |
Sản lượng hạt phấn của hoa
Sản lượng hạt phấn của hoa được xác định theo các chỉ tiêu: số lượng bao phấn trên một hoa, số lượng hạt phấn trên một bao phấn và số lượng hạt phấn trên một hoa. Kết quả đếm và tính toán thu được: số lượng bao phấn/hoa của hoa Cóc hồng (L. rosea) là 9,87 ± 0,06; số lượng hạt phấn/bao phấn là 361,60 ± 8,43 và số lượng hạt phấn/hoa là 3567,70 ± 86,68. So sánh với kết quả nghiên cứu của Muruvvet Ilgin và đồng sự (2007) ở 5 loài vả (Caprifig) (46 E1 01, 46 E1 02, 46 E1 03, 46 E1 04 và 46 E1 05) thì số lượng bao phấn/hoa lần lượt tương ứng là 4,2; 4,6; 4,1; 4,3 và 4,3; cho thấy số lượng bao phấn/hoa của hoa Cóc hồng là cao gấp đôi. Tuy nhiên số lượng hạt phấn/bao phấn lại thấp hơn nhiều so với các loài vả (1043, 1568, 1748, 1306 và 1388) và số lượng hạt phấn trung bình/hoa cũng thấp hơn rất nhiều (4355, 7132, 7169, 5617 và 5883). Như vậy sản lượng hạt phấn của hoa Cóc hồng (L. rosea) là thấp.
Kết luận
Đường kính trung bình của hạt phấn hữu thụ là 26,75 ± 0,51µm và đường kính trung bình của hạt phấn bất thụ là 25,15 ± 0,95µm. Độ hữu thụ trung bình của hạt phấn là 19,53 ± 1,26%. Sản lượng hạt phấn của hoa là 3567,70 ± 86,68.
Tài liệu tham khảo
1. Ben H. C. A., O. Carlos, L. C. Jose, M. Brian, T. Nelson, D. L. C. C. A. Crescencio, S. Luis, 2006: Rev. Fiotec. Mex., 29(4): 373-378.
2. Cascade Biologics Inc., 2001: Using a hemacytometer: http://www.cascadebio.com.
3. Phan Nguyen Hong, Hoang Thi San, 1993: Mangroves of Vietnam, IUCN, Bangkok, Thailand.
4. Kelly J. K., A. Rasch, S. Kaliz, 2002: American Journal of Botany, 89(6): 1021-1023.
5. Julia M. A., J. M. Villodre, 1994: Pl. Syst. Evol.: 161-170.
6. Nguyễn Khoa Lân, 1995: Thảm thực vật rừng ngập mặn trong cảnh quan du lịch ven biển ở Thừa Thiên Huế, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam”, Đồ Sơn, Hải Phòng, 8-10/10/1995: 88-92.
7. Mckone M. J., C. J. Webb, 1988: Australian Journal of Botanty, 36(3): 331-337.
8. Muruvvet I., E. Fuat, C. Semih, 2007: Pak. J. Bot., 39 (1): 9-14.
9. Rigamoto R. R., A. P. Tyagi, 2002: S. Pac. J. Nat. Sci., 20: 30-33.
10. Sain R. S., P. Joshi, 2003: Current Science, 85(4): 431-434.
11. Sezai E., 2007: Bangladesh J. Bot., 36(2): 185-187.
12. Singhal V. K., P. Kumar, 2008: J. Biosci., 33(3): 371-380.
13. Springer T. L., C. M. Taliaferro, R. W. McNew, 1989: Crop Sci., 29: 1559-1561.
14. Tomlinson P. B., 1986: The botany of mangroves, Cambridge University Press, Printed in the United States of America: 230.
15. Le Thi Tre, 1998: Lumnitzera rosea, a precious mangrove species should be protected and developed, Socio-economic status of women in coastal mangrove areas-trends to improve their life and environment, Proceeding of the National Workshop, Hanoi, 31 October-4 November 1997: 149-150.
16. Lê Thị Trễ, 1998: Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Số 1-1998, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế: 28-31.
Lời cảm ơn: Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Lê Thị Trễ đã cung cấp cho một số tài liệu tham khảo quí báu.
Trần Quốc Dung
Viện Tài nguyên-Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế
Nguyễn Khoa Lân, Nguyễn Văn Hòa
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)